Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 thay thế BLDS năm 2005 hết hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 2016 có quy định mới theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký.
Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
– Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLDS năm 2005 thì “Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.
– Theo quy định trên, giao dịch của người thứ ba ngay tình chỉ được công nhận hợp pháp trong hai trường hợp: 1) nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá và 2) giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa. Giao dịch của người thứ ba ngay tình liên quan đến bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu trong những trường hợp khác đều bị vô hiệu khi giao dịch ban đầu bị vô hiệu.
– Quy định như trên của BLDS năm 2005 được đánh giá là chưa bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, làm cho các giao dịch dân sự hợp pháp không được bảo vệ và ổn định, nhiều trường hợp tài sản (thường là bất động sản) được mua bán hợp lệ nhiều lần, nhiều đời chủ nhưng khi giao dịch ban đầu bị vô hiệu thì tài sản giao dịch vẫn phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu ban đầu. Ví dụ: A chuyển nhượng nhà cho B, B đã trả tiền, nhận nhà và đã được cấp giấy chứng nhận, sau đó B chuyển nhượng nhà cho C, C đã trả tiền, nhận nhà, được cấp giấy chứng nhận và đã chuyển nhượng cho D nhưng khi hợp đồng giữa A và B bị vô hiệu thì các hợp đồng chuyển nhượng giữa B và C, giữa C và D đều bị vô hiệu và nhà phải trả lại cho A. Trong khi đó, việc mua bán giữa B và C, giữa C và D đều hợp pháp, hợp lệ, ngay tình nhưng đều bị hủy.
– Mặt khác, quy định trên của BLDS năm 2005 cũng được đánh giá là chưa phù hợp với sự lưu thông hàng hóa (tài sản) trong nền kinh tế thị trường, việc mua bán tài sản hợp pháp vẫn có khả năng bị ảnh hưởng bởi các giao dịch trước đó làm cho người mua không an tâm dẫn đến việc lưu thông của tài sản bị ảnh hưởng.
Bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký
– Khoản 2 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.
– Như vậy, ngoài hai trường hợp được công nhận như BLDS năm 2005 là người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa thì BLDS năm 2015 có một quy định mới theo hướng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Do vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, những giao dịch giữa B và C, giữa C và D ở ví dụ trên đều được công nhận hợp pháp, không bị vô hiệu.
– Vấn đề mấu chốt để giao dịch dân sự với người thứ ba ngay tình được công nhận là tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba vẫn bị vô hiệu.
Quyền của chủ sở hữu
– Khoản 3 Điều 133 BLDS năm 2015 quy định “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
– Do giao dịch với người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ nên chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình mà chỉ có quyền kiện chủ thể có lỗi làm cho giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
– Nếu chỉ đánh giá ở phương diện quyền lợi thì quy định của BLDS năm 2015 có vẻ không ảnh hưởng đến chủ sở hữu nhưng xét ở khía cạnh đảm bảo thi hành bản án của tòa án thì chủ sở hữu tài sản có thể bị ảnh hưởng quyền lợi khi chủ thể có lỗi không có tài sản để thi hành án. Do vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, các chủ sở hữu phải thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu để tránh trường hợp tài sản của mình bị chuyển giao ngoài ý muốn cho người thứ ba ngay tình./.