Dịch bệnh Covid – 19 có phải là sự kiện bất khả kháng?

Dịch bệnh Covid – 19 như là một sự kiện pháp lý

Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc và ban hành nhiều văn bản về phòng, chống dịch như Chỉ thị 15 ngày 27 tháng 3 năm 2020, Chỉ thị 16 ngày 31 tháng 3 năm 2020 và Chỉ thị 19 ngày 24 tháng 4 năm 2020 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Tùy từng thời điểm dịch bùng phát khác nhau mà mỗi địa phương sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác nhau, trong đó có việc áp dụng một trong các Chỉ thị trên. Trên thực tế, việc thực hiện các văn bản phòng, chống dịch bệnh và quyết định phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền mới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì đôi khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát ở địa phương này nhưng không bùng phát ở địa phương khác nên những địa phương không có dịch hoặc có số ca nhiễm ít thì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Hạn chế hoạt động

Ở những địa phương dịch bùng phát, Chỉ thị 16 ngày 31 tháng 3 năm 2020 sẽ được áp dụng, theo đó yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự (BLDS) quy định “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, theo quy định, một sự kiện được xem là bất khả kháng khi sự kiện đó đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
– Sự kiện xảy ra một cách khách quan;
– Không thể lường trước được;
– Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Miễn trừ nghĩa vụ khi có sự kiện bất khả kháng

Khoản 2 Điều 351 BLDS quy định “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Dịch bệnh Covid – 19 có phải là sự kiện bất khả kháng

Mặc dù nguồn gốc của dịch bệnh Covid – 19 còn gây tranh cãi nhưng đến nay được xem là xảy ra một cách khách quan. Việc ban hành, áp dụng các văn bản phòng, chống dịch Covid – 19 cũng được xem là khách quan, ngoài ý muốn của các bên trong quan hệ hợp đồng và (có thể) không thể lường trước được. Mặc dù đã thỏa mãn hai điều kiện về một sự kiện bất khả kháng nhưng cần phải xem xét điều kiện thứ ba “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Nếu áp dụng các biện pháp khắc phục mà vẫn thực hiện được hợp đồng thì không được coi là bất khả kháng. Do vậy, dịch bệnh Covid – 19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không thì phải xem xét từng hợp đồng cụ thể, từng ngành nghề kinh doanh, địa điểm ảnh hưởng và khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục của các bên.

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Ở các địa phương dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp thì bên cạnh việc thực hiện Chỉ thị 16, chính quyền địa phương còn quy định nhiều biện pháp khắt khe như phong tỏa, kiểm tra, xét nghiệm … Việc gia tăng chi phí như xét nghiệm, chuẩn bị giấy tờ… mà vẫn thực hiện được các quyền và nghĩa vụ hợp đồng như nghĩa vụ giao, nhận hàng hóa thì không được xem là bất khả kháng mà có thể thuộc trường hợp “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” theo quy định tại Điều 420 BLDS. Trường hợp này, bên bị ảnh hưởng có thể yêu cầu bên còn lại san sẻ chi phí hoặc đàm phán lại hợp đồng, nếu các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án chỉ quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi./.