1. Tháng 10 năm 2012, Tòa án thành phố Topeka, bang Kansas ở Mỹ đã nhận giải quyết một vụ kiện kỳ lạ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Hoa Kỳ. Nguyên đơn là Văn phòng Bảo vệ Quyền lợi gia đình và trẻ em (ORFC) và bị đơn là ông William Marotta, lúc đó là một thợ cơ khí 46 tuổi. Theo điều tra, vào tháng 3 năm 2009, Marotta từng đồng ý hiến tinh trùng cho một cặp uyên ương đồng tính nữ. Đó là Jennifer Schrein, 34 tuổi, và Angela Bauer, 40 tuổi.
2. Trước khi cung cấp tinh trùng cho cặp đôi này, cả 3 người đã ký vào một bản hợp đồng với nội dung: Người hiến tinh trùng không bị ràng buộc bất cứ trách nhiệm nào với đứa trẻ sắp sinh ra. Đồng thời, họ cũng thỏa thuận rằng trong giấy khai sinh của đứa trẻ này, cặp đôi chỉ ghi tên người mẹ là Jennifer Schreiner còn mục người cha để trống. Sau đó, Schreiner đã sinh hạ một bé gái.
3. Vào cuối năm 2010, cặp đôi đồng tính này chia tay sau 8 năm chung sống. Hai người đã gửi đơn yêu cầu ORFC hỗ trợ tài chính để nuôi đứa trẻ và được chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình bổ sung hồ sơ, văn phòng này phát hiện luật pháp bang Kansas không công nhận hôn nhân đồng giới nên Schreiner buộc phải tiết lộ tên của người đã hiến tinh trùng. Tuy nhiên, Marotta dựa theo bản hợp đồng đã ký trước đó và không thừa nhận ông là cha đứa trẻ. Mặc dù Schreiner khẳng định bà không muốn nhận bất cứ khoản chu cấp nào từ người đàn ông này, ORFC vẫn khởi kiện vì cho rằng bản giao kèo đó không hợp lệ. Marotta là người cha hợp pháp và có trách nhiệm nuôi dưỡng đứa trẻ. Đại diện ORFC thông báo chính thức cắt trợ cấp nuôi con của Schreiner kể từ đầu năm 2013, đồng thời yêu cầu Marotta phải chu cấp cho đứa trẻ tới tuổi trưởng thành và bồi hoàn cho ngân sách thành phố số tiền mà họ đã phát cho mẹ con người phụ nữ 34 tuổi trong hai năm trước đó.
4. Sự việc chính quyền bang Kansas từ chối cấp phúc lợi cho một đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và buộc người hiến tinh trùng phải chu cấp tiền nuôi dưỡng đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nhiều công dân cho rằng quan điểm của ORFC đi ngược lại với bản chất nhân đạo trong các chính sách của nhà nước dành cho bà mẹ và trẻ em.