1. Quyền được xét xử công bằng (the rights to a fair trial) thường được nhắc đến như một quyền căn bản hay sự đảm bảo tối thiểu về xét xử theo đúng pháp luật tố tụng. Nhà nước có thể tước đoạt của một người quyền sống, quyền tự do hoặc quyền sở hữu tài sản thông qua các thủ tục tố tụng hình sự. Tòa án có quyền xử phạt tù, tước đoạt quyền tự do của người phạm tội trong một thời gian; có thể phạt tiền, tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc tài sản thậm chí có thể tước đoạt mạng sống của người đó. Nhưng quyền này bị hạn chế, giới hạn bởi những yêu cầu của quy trình xét xử công bằng. Luật hình sự quy định hành vi nào là hành vi phạm tội nhưng để kết tội người thực hiện hành vi đó phải thông qua một quy trình tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự là một cơ chế mà qua đó, hành vi phạm tội được điều tra, truy tố, xét xử và hình phạt được ban hành. Trong quy trình tố tụng đó, có sự tham gia của cảnh sát (cảnh sát điều tra), công tố (Viện kiểm sát), tòa án và các thành phần tố tụng khác. Trong tố tụng hình sự, cá nhân “đọ sức” với công quyền, hệ thống cơ quan có quyền lực đại diện cho Nhà nước với nguồn lực về con người và vật chất to lớn. Chính trong quy trình đó mà chế tài hình sự, chế tài pháp luật nghiêm khắc nhất được đưa ra và áp dụng. Quyền lực to lớn của Nhà nước trong tố tụng hình sự có thể thực thi một cách sai trái, bị lạm dụng hoặc bị áp dụng một cách không công bằng. Cơ quan điều tra, truy tố và tòa án có thể tùy nghi quyết định cách thức thực thi quyền lực của mình theo hướng bất lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc các nhóm đối tượng yếu thế khác. Do vậy, quyền được xét xử công bằng là một yêu cầu bắt buộc trong tố tụng hình sự. Liệu cảnh sát có thể bắt giữ một người mà không có lệnh và tạm giam mà không có quyết định phê chuẩn của viện kiểm sát? Liệu tòa án có thể xét xử và đưa ra hình phạt dựa trên cáo trạng của công tố mà người bị buộc tội không có quyền tranh luận lại với tội trạng bị cáo buộc? Quyền được xét xử công bằng sẽ hạn định quyền lực của cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo quy trình tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Palais de Chaillot ở Paris, Pháp đã quy định “Mọi người đều có bằng nhau quyền được phân xử công khai và công bằng, trước một tòa án độc lập và vô tư, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình, hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc và khi truy tố trước pháp luật, mọi người được xem là vô tội, cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự”.
3. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200A ngày 16-12-1966, có hiệu lực ngày 23-3-1976, Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982 quy định trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mỗi người đều có quyền đòi hỏi một cách bình đẳng về quyền được xét xử công bằng sau đây: Mọi người đều bình đẳng trước tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên tòa vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của tòa án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên, mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.
4. Quyền được xét xử công bằng theo pháp luật Việt Nam
– Hiến pháp năm 2013 quy định: Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” đồng thời quy định nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai “Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.