1. Song sinh nhưng khác cha:
a) Theo bà Nguyễn Thị Nga – giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền – trung tâm này ghi nhận ca song sinh khác cha đầu tiên ở Việt Nam từ một ca song sinh hi hữu ở Hòa Bình, mẫu được gửi đến trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016. Gia đình này có hai con song sinh gần 2 tuổi nhưng bề ngoài rất khác nhau, một bé không giống bất kỳ ai trong gia đình làm người cha nghi ngờ. Người cha đã gửi mẫu đến trung tâm và kết quả bất ngờ là một trong hai bé không có quan hệ huyết thống với mình, nhưng khi so sánh với gen của người mẹ thì cả hai bé đều từ một mẹ sinh ra. Theo bà Nga, đây là trường hợp song sinh khác cha đầu tiên ghi nhận được tại trung tâm (và là cặp đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam).
b) Trên thế giới đã có khoảng 10 cặp song sinh khác cha, có trường hợp hai bé song sinh cùng một mẹ sinh ra nhưng một bé da đen, một bé da trắng, hoặc có hình thức khác nhau hoàn toàn và khi đem giám định gen thì là con của hai người cha khác nhau.
2. Hi hữu nhưng vẫn có thể:
Bà Lưu Thị Hồng – chuyên gia về sản phụ khoa, nguyên vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) – cho rằng song thai khác trứng thì vẻ ngoài khác nhau là hết sức bình thường.
Bà Hồng cho rằng thông thường phụ nữ rụng một trứng/tháng, nhưng có người có thể rụng hai trứng/tháng và thời gian rụng trứng không giống nhau. Khi gặp tinh trùng thì trứng rụng trước (hoặc 1 trong 2 trứng rụng đồng thời) thụ thai. “Thụ thai xong, phôi không làm tổ ngay mà cần thời gian chạy vào buồng tử cung và có thể mất 7-8 ngày mới bám vào thành tử cung. Về nguyên tắc, khi nào phôi làm tổ trong tử cung mới coi là chính thức có thai, như vậy dù 1 trứng đã thụ thai nhưng trong vòng 7-8 ngày khi phôi chưa làm tổ, nếu có thêm một trứng rụng vẫn có khả năng thụ thai thành song thai” – bà Hồng giải thích.
3. Trong 13.000 ca sinh đôi: 1 ca khác cha
a) Ngày 9-5-2015, CNN đưa tin tòa án tại New Jersey, Mỹ phân xử một người đàn ông chỉ phải chu cấp cho một trong hai bé song sinh. Lý do vì các xét nghiệm cho thấy ông chỉ là cha của một trong hai đứa bé. Trong phiên tòa, người mẹ thừa nhận có quan hệ tình dục với hai người đàn ông khác nhau trong vòng một tuần.
Phiên tòa cũng trích dẫn số liệu của chuyên gia ADN, giáo sư Karl-Hanz Wurzinger rằng trong 13.000 ca sinh đôi, có 1 ca sinh đôi khác cha.
b) Trước đó, năm 2013 tại Texas, Mia Washington (20 tuổi) cũng sinh đôi khác cha. Bạn trai của Washington là James Harrison thấy rằng hai bé song sinh vừa chào đời cách nhau vài phút, hoàn toàn khác nhau. Harrison đòi xét nghiệm ADN và phát hiện một trong hai đứa bé song sinh không phải con mình.
c) Theo thống kê, các trường hợp sinh đôi khác trứng chiếm 2/3 các ca sinh đôi. Theo nhiều nghiên cứu của Trung tâm quốc gia Mỹ về thông tin công nghệ sinh học, tỉ lệ sinh đôi khác cha chiếm 2,4% các trường hợp sinh đôi khác trứng.
4. Xác định cha cho con khi hôn nhân không hợp pháp
Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để yêu cầu một người không có quan hệ hôn nhân hợp pháp với người mẹ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động và tài sản để tự nuôi sống mình thì người mẹ hoặc người giám hộ, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em phải yêu cầu Tòa án xác định người đó là cha của đứa trẻ (căn cứ vào kết luận giám định ADN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) mới có quyền yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
5. Xác định cha cho con khi hôn nhân hợp pháp:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định, trong trường hợp, cha mẹ có quan hệ hôn nhân hợp pháp thì việc xác định cha cho con được xác lập tự động trên cơ sở các quy định sau:
a) Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
b) Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
c) Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
d) Trong trường hợp, người cha không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và được Tòa án xác định, chủ yếu là dựa vào kết quả xác định ADN.
(Tổng hợp từ Báo Tuổi trẻ, VnExpress và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)