1. “Đồng Nọc Nạng” (không phải Nọc Nạn) là tên một cánh đồng thuộc làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) có con rạch Nọc Nạng chảy ngang qua. Vụ án Đồng Nọc Nạng là một vụ án nổi tiếng khắp cả “ Nam Kỳ lục tỉnh” vào cuối thập niên 20 thế kỷ XX, do Tòa Đại hình Cần Thơ thụ lý xét xử.
2. Theo hồ sơ, trước năm1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạng được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Nguyễn Thành Luông. Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn khẩn 20 ha đất, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, Hương chánh Luông tiếp tục làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán cho toàn bộ diện tích 73 ha và cũng được chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, có cả tờ bản đồ phần đất.
3. Khi Hương chánh Luông qua đời, con trai ông là Nguyễn Văn Toại (còn gọi là Biện Toại) thừa kế phần đất. Năm 1917, một Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu tên là Mã Ngân, người dân địa phương thường gọi là Bang Tắc, có ý đồ chiếm đoạt đất nhà Biện Toại. Là người mưu mô, Bang Tắc biết rõ đất của nhà Biện Toại mới có bằng khoán tạm, nên đã mua đất của bà Nguyễn Thị Dương, giáp ranh đất nhà Biện Toại, nhưng trong hợp đồng lại ghi ranh giới bao trùm luôn đất anh em Biện Toại.
4. Vụ tranh chấp đất giữa hai bên là Bang Tắc và gia đình Biện Toại nổ ra. Qua nhiều lần xét xử, gia đình Biện Toại luôn thua bởi Bang Tắc chi nhiều tiền lót tay cho nhà chức trách. Cuối cùng đất về tay Bang Tắc. Ngay sau đó Bang Tắc bán khu đất 50 ha cho người nhà quan phủ có nhiều quyền lực ở địa phương là bà Hà Thị Tr.. Từ đó bà Tr. nghiễm nhiên bắt anh em Biện Toại phải nộp địa tô ngay trên mảnh đất gia tộc của chính họ. Gia đình Biên Toại bất bình, phản ứng quyết liệt.
5. Ngày 13 và 14/2/1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa. Quyết bảo vệ mảnh đất máu thịt, tối 14/2/1928, anh em nhà Biện Toại làm lễ lạy ông bà tổ tiên, chích máu thề không sợ chết. Sáng 16/2/1928, khi quan lính đến tịch thu lúa, anh em Biện Toại dùng dao mác gậy gộc xông ra quyết chiến. Hậu quả, bốn người em của Biện Toại là Mười Chức, Nhẫn, Nhịn và bà Nghĩa (vợ Mười Chức đang mang thai) bị bắn tử thương. Một lính Pháp là viên cò Tây dẫn đầu bọn lính mã tà – tênTournier, bị Mười Chức đâm thủng bụng.
6. Ngày 17/8/1928, Tòa Đại hình Cần Thơ xử vụ án đồng Nọc Nạng. Hai luật sư người Pháp bào chữa miễn phí cho gia đình Biện Toại là Tricon và Zévaco thuộc đoàn luật sư Sài Gòn, do nhà nhà báo Lê Trung Nghĩa mời. Công tố viên người Pháp cũng cho rằng tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: họ bị những kẻ không có trái tim đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với cường hào. Công tố viên đề nghị tòa tha bổng những người trong gia đình Biện Toại. Luật sư người Pháp cũng hết lời ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại, đấu tranh với thiên nhiên, với cường hào, với cả các thủ tục pháp lý để xây dựng mảnh đất quê hương.
7. Sau phần tranh tụng xong, Tòa vào phòng để thảo luận, bàn cãi rất lâu, sau đó trở ra tuyên một bản án mà không một bản án nào có thể công bằng và nhân ái hơn. Vợ Hương Chánh Nguyễn Thanh Luông đứng lên để cám ơn luật sư và các vị quan tòa người Pháp. Đôi mắt gần như mù lòa của bà ràn rụa nước mắt vì sung sướng. Những quy tắc ngặt nghèo của tòa được bỏ qua, một đám đông dân chúng tràn vào phòng xử án trước sự ngạc nhiên của những người giữ trật tự.
8. Bản án phiên tòa Đại hình của Tòa án Cần Thơ đã tuyên như sau: Các bị cáo Nguyễn Văn Toại, Nguyễn Văn Liễu (em út của Toại) và Nguyễn Văn Tia (con trai út của Biên Toại) được tha bổng, bị cáo Nguyễn Thị Trọng (em gái của Biên Toại): 6 tháng tù (đã bị giam đủ 6 tháng nên được trả tự do ngay). Bị cáo Miều (em rể của Biên Toại) bị phạt 2 năm tù.
9. Một tiệc bày ra ở Cần Thơ để thết đãi hai vị luật sư và ký giả các báo tiếng Pháp và tiếng Việt theo truyền thống trung hậu và hào hoa cố hữu của người Bạc Liêu. Bà Hương chánh Luông cũng tham dự buổi tiệc này.
10. Hiện nay, di tích Nọc Nạng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạng và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra còn có ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, với kích thước như người thật.
(Tổng hợp từ Internet và sách “Truyền thống Luật sư Việt Nam” của các tác giả Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hòa, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh).