Nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội

1. Nguồn gốc và cơ sở pháp lý của nguyên tắc suy đoán vô tội:

Nguyên tắc suy đoán vô tội hay giả định vô tội được nhiều Nhà nước coi là nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại và được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người. Ngay từ thời La Mã cổ đại, người ta đã khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên tố cáo, thuộc bên khẳng định chứ không phải bên phủ định. Tuy nhiên, chỉ đến khi Cách mạng Tư sản Pháp 1789, tư tưởng này mới được ghi nhận như là một nguyên tắc của pháp luật. Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1789 tuyên bố: Mọi người được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội. Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được công nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về Quyền chính trị, dân sự năm 1966 của Liên hiệp quốc. Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc và Điều 14 Công ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị của Liên hợp quốc năm 1966 đều có quy định: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”. Nguyên tắc suy đoán vô tội được Việt Nam cam kết thực hiện thông qua sự kiện Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị ngày 24/9/1982 và được thể hiện trong Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam.

2. Nội dung chủ yếu của nguyên tắc suy đoán vô tội

Cho đến nay, có nhiều quan điểm khác nhau về nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng nội dung cốt lõi của nguyên tắc này thường được hiểu với ba ý chính sau đây:

a) Người bị tình nghi, bị can, bị cáo (người bị buộc tội) được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án kết tội đối với người đó; Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án là bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hoặc bản án phúc thẩm. Do vậy, một người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam hoặc bị cáo đã bị xét xử sơ thẩm nhưng đang đợi kết quả xét xử phúc thẩm thì vẫn chưa bị xem là người phạm tội. Ở Việt Nam, một trong những biểu hiện hình thức của nội dung này là từ năm 2005, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục khi ra tòa xét xử, không phải mặc trang phục của người phạm tội theo Nghị quyết số 743/2004/NQUBTVQH11 ngày 24 tháng 12 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vì, họ chưa bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực của tòa án nên họ chưa bị xem là người phạm tội và không phải mặc áo của người phạm tội

b) Nghĩa vụ chứng minh một người có tội thuộc về bên có trách nhiệm buộc tội. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình; Ở Việt Nam, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng gồm: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Quyền chứng minh mình vô tội của người bị tình nghi, bị can, bị cáo có liên quan mật thiết với Quyền im lặng và Quyền bào chữa.

c) Khi có những nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ xuất hiện thì những nghi ngờ này phải được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi và bị can, bị cáo. Tức là nếu không đủ chứng cứ chứng minh bị cáo phạm tội thì tòa án phải tuyên bố người đó không phạm tội. Tuy nhiên, tòa án chỉ có thể tuyên bố một người không phạm tội mà không thể tuyên bố một người vô tội. Người đã thực hiện một hành vi phạm tội trên thực tế vẫn có thể được tuyên bố là người không phạm tội nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh bằng các chứng cứ xác thực theo đúng trình tự thủ tục do pháp luật quy định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội. Người được tòa án tuyên bố không phạm tội có thể vẫn là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng do không thể chứng minh người đó đã phạm tội nên tòa án buộc phải tuyên bố người đó không phạm tội.