Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đã thay thế BLDS năm 2005 hết hiệu lực từ ngày 31 tháng 12 năm 2016. BLDS năm 2015 có rất nhiều điểm mới so với BLDS năm 2005, trong đó có quy định về thời hiệu thừa kế di sản. BLDS năm 2015 đã kéo dài thời hiệu thừa kế đối với bất động sản từ 10 năm theo quy định của BLDS năm 2005 lên thành 30 năm, mở ra cơ hội chia di sản thừa kế trong những trường hợp được xem là hết thời hiệu khởi kiện thừa kế.
I. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định của BLDS năm 2005
1. Điều 645 BLDS năm 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
2. Quy định như trên của BLDS năm 2005 về thời hiệu khởi kiện được xem là ngắn, chưa phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của người Việt. Phần lớn di sản là tài sản của cha, mẹ chết để lại, khi một người (cha hoặc mẹ) chết và người còn lại còn sống thì các người con thường chưa muốn chia phần di sản do người chết để lại nhưng khi người còn lại chết thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế di sản của người chết trước đã hết, nếu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế mà thời điểm nộp đơn đã quá 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế thì tòa án không thụ lý giải quyết hoặc nếu đã thụ lý thì đình chỉ giải quyết. Do vậy, quyền lợi của những người thừa kế không được đảm bảo.
3. Thực tiễn, khi hết thời hiệu khởi kiện thừa kế thì có thể chuyển sang khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện quyền thừa kế. Đó là trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Như vậy, để có thể khởi kiện chia tài sản chung sau khi hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế thì phải đáp ứng những điều kiện nhất định, không phải trường hợp nào hết thời hiệu khởi kiện thừa kế cũng có thể chuyển sang chia tài sản chung.
4. Một điểm yếu nữa của BLDS năm 2005 về thời hiệu khởi kiện thừa kế là mặc dù quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm nhưng lại không quy định về xử lý di sản thừa kế sau khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Sau khi kết thúc thời hạn 10 năm thì di sản chưa được chia sẽ thuộc về ai? BLDS năm 2005 không có câu trả lời cho câu hỏi này.
II. Quy định mới về thời hiệu thừa kế của BLDS năm 2015
1. Điều 623 BLDS năm 2015 quy định “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”
2. Như vậy, BLDS năm 2015 đã phân biệt thời hiệu thừa kế đối với bất động sản và động sản, trong đó thời hiệu thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, tăng lên đáng kể so với quy định của BLDS năm 2005 và thời hiệu thừa kế đối với động sản vẫn giữ nguyên là 10 năm. Đồng thời, BLDS năm 2015 đã có quy định mới về xử lý di sản sau khi hết thời hiệu thừa kế, theo đó, trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế, mà di sản chưa được chia thì di sản sẽ thuộc về những người sau đây theo thứ tự ưu tiên: người thừa kế đang quản lý di sản đó, người đang chiếm hữu, Nhà nước.
III. Mở ra cơ hội cho những người thừa kế
1. Theo nguyên tắc chung, pháp luật không có hiệu lực hồi tố, tức là chỉ có hiệu lực kể từ ngày được xác định trở về sau mà không có hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ nhất định. BLDS năm 2015 quy định “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này” (Điểm d khoản 1 Điều 688 ) và “Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017” (Điều 689). Thời hiệu thừa kế là một trong những loại thời hiệu được quy định trong BLDS năm 2015 nên thời hiệu thừa kế sẽ được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 mà không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế. Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thời hiệu chia di sản được xác định như sau:
a) Đối với di sản là bất động sản (đất đai, nhà, công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất) mà thời điểm mở thừa kế sau ngày 01 tháng 01 năm 1987 vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Ngoài ra, khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế quy định đối với các việc thừa kế mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này thì thời hạn thừa kế được tính từ ngày công bố Pháp lệnh, là ngày 10 tháng 9 năm 1990. Như vậy, đến nay, mọi thời điểm mở thừa kế (ví dụ: người để lại di sản chết năm 1950, 1960…) đều còn thời hiệu chia thừa kế, thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với bất động sản chỉ hết vào ngày 10 tháng 9 năm 2020 nếu thời điểm mở thừa kế trước ngày 10 tháng 9 năm 1990. Ngoài ra, còn có 02 trường hợp ngoại lệ: đối với thừa kế về nhà ở được mở trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 thì thời hiệu khởi kiện còn được cộng thêm thời gian 2 năm 06 tháng (theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24 tháng 8 năm 1998) và nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày 01 tháng 9 năm 2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (theo Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27 tháng 7 năm 2006), tức là được cộng thêm 10 năm 2 tháng.
b) Đối với di sản là động sản (tài sản không phải là bất động sản) thì thời hiệu chia di sản vẫn là 10 năm như quy định của BLDS năm 2005, di sản có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 sẽ hết thời hiệu chia di sản.
2. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015 cũng quy định “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”. Như vậy, những vụ kiện về thừa kế liên quan đến thời hiệu đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật sẽ không được xem xét lại. Tuy nhiên, nếu vụ kiện mới chỉ được xét xử ở giai đoạn sơ thẩm thì sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 tòa án cấp phúc thẩm vẫn áp dụng được thời hiệu thừa kế theo quy định của BLDS năm 2015./.