1. Bào chữa là dùng lý lẽ, chứng cớ để bênh vực cho hành vi của ai đó đang bị xem là phạm pháp hoặc đang bị lên án, đang bị buộc tội. Quyền bào chữa là một chuẩn mực bắt buộc trong quyền được xét xử công bằng và được xem là một trong những quyền cơ bản của con người. Những biểu hiện ban đầu của quyền này được tìm thấy trong thời kỳ Trung cổ và phát triển mạnh mẽ ở những quốc gia có nguồn gốc Thông luật (common law). Sau đó, những ảnh hưởng tiến bộ về quyền có người bào chữa đã lan tỏa sang các nước Châu Âu lục địa. Người bào chữa có vai trò hỗ trợ người bị buộc tội tại phiên tòa để chống lại sự cáo buộc của nhà vua. Mô hình này xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 12 ở Anh và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 16, 17.
2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200A ngày 16-12-1966, có hiệu lực ngày 23-3-1976, Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982 quy định trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mỗi người đều có quyền đòi hỏi một cách bình đẳng đầy đủ những bảo đảm tối thiểu sau đây:
i) Được thông báo ngay lập tức và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình;
ii) Có đủ thời gian phù hợp và điều kiện thuận tiện để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;
iii) Được xét xử nếu không có lý do để chậm;
iv) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc nhờ trợ giúp pháp lý do mình chọn; nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý thì phải được thông báo về quyền này; trong trường hợp do lợi ích của công lý đòi hỏi, phải bố trí cho người đó một sự trợ giúp pháp lý miễn phí nếu người đó không có điều kiện trả;
v) Được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình và được mời người làm chứng đại diện cho mình tới phiên toà và thẩm vấn tại toà với những điều kiện giống như đối với những người làm chứng buộc tội mình;
vi) Được giúp đỡ về phiên dịch không phải trả tiền, nếu người đó không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà;
vii) Không bị ép buộc phải chứng minh chống lại chính mình hoặc buộc tự thú là mình có tội.
3. Quyền bào chữa trong luật pháp về nhân quyền quốc tế và tập quán quốc tế được cấu thành bởi 9 quyền, bao gồm:
(i) Quyền được có người bào chữa do mình lựa chọn;
(ii) Quyền được có đủ thời gian để chuẩn bị cho phiên tòa, bao gồm tiếp xúc với người bào chữa;
(iii) Quyền được giao tiếp bí mật với luật sư;
(iv) Quyền bào chữa thông qua trợ giúp pháp lý;
(v) Quyền được tạm hoãn thủ tục tố tụng để được tham vấn luật sư;
(vi) Quyền được tự bào chữa;
(vii) Quyền bào chữa là hành vi bảo vệ quyền lợi của bị cáo;
(viii) Quyền không phải tiến hành tố tụng với luật sư bào chữa là người không đủ năng lực hoặc thiếu cẩn thận trong khi bị can, bị cáo đã có luật sư phù hợp;
(ix) Quyền bào chữa trong tất cả các giai đoạn tố tụng đối với hình phạt án tử hình.
4. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo pháp luật Việt Nam.
a) Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa
b) Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa, gỡ tội, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định mới sau đây:
(i) Bổ sung người bị bắt được bảo đảm quyền bào chữa;
(ii) Thay quy định “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “đăng ký bào chữa”;
(iii) Mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý;
(iv) Mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải chỉ định người bào chữa;
(v) Quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt;
(vi) Quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra;
(vii) Bổ sung một chương mới (Chương V) quy định các nội dung liên quan đến bào chữa nhằm bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án.
5. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ (thường được gọi là bào chữa chỉ định):
i) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
ii) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa;
iii) Người có nhược điểm về tâm thần;
iv) Người dưới 18 tuổi.
Trường hợp chỉ định người bào chữa, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.