Chính sách hình sự đối với phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ
1. Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi.
2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị kết án. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
3. Người phạm tội là phụ nữ có thai là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
4. Phạm tội đối với phụ nữ có thai là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
5. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
Các tội phạm liên quan đến phụ nữ có thai
1. Bộ luật Hình sự hiện hành có 25 tội quy định có liên quan đến phụ nữ có thai đó là các Tội giết người (Điều 123), Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ (Điều 127), Tội bức tử (Điều 130), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137), Tội hành hạ người khác (Điều 140); Tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 148), Tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 149), Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157), Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật (Điều 162), Tội cướp tài sản (Điều 168), Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170), Tội cướp giật tài sản (Điều 171), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185), Tôi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255), Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257), Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258), Tội cưỡng bức lao động (Điều 297), Tội bắt cóc con tin (Điều 301), Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368), Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370), Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371), Tội dùng nhục hình (Điều 373), Tội bức cung (Điều 374), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377).
2. Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai hoặc đang có thai là tình tiết tăng nặng định khung của tất cả các tội trên.
3. Các tội phạm cụ thể:
– Điều 123. Tội giết người. Người nào giết phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
– Điều 127. Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết phụ nữ mà biết là có thai do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
– Điều 130. Tội bức tử. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình là phụ nữ mà biết là có thai làm người đó tự sát thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
– Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp là phụ nữ mà biết là có thai, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
– Điều 137. Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của phụ nữ mà biết là có thai mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 140. Tội hành hạ người khác. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình là phụ nữ mà biết là có thai và không thuộc trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì phạt tù từ một năm đến ba năm.
– Điều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho phụ nữ mà biết là có thai, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác. Người nào cố ý truyền HIV cho phụ nữ mà biết là có thai, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. Người nào bắt, giữ hoặc giam phụ nữ mà biết là có thai trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 162. Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi: Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; Sa thải trái pháp luật đối với người lao động; Cưỡng ép, đe dọa buộc công chức, viên chức, người lao động phải thôi việc; đối với phụ nữ mà biết là có thai gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
– Điều 168. Tội cướp tài sản. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công là phụ nữ mà biết là có thai lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác phụ nữ mà biết là có thai nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Điều 171. Tội cướp giật tài sản. Người nào cướp giật tài sản của người khác là phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
– Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình là phụ nữ mà biết là có thai trong trường hợp thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
– Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Người nào tổ chức cho phụ nữ mà biết là có thai sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của phụ nữ mà biết là có thai để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
– Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo phụ nữ mà biết là có thai sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
– Điều 297. Tội cưỡng bức lao động. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc phụ nữ mà biết là có thai phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 301. Tội bắt cóc con tin. Người nào bắt, giữ hoặc giam phụ nữ mà biết là có thai làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin nếu không thuộc trường hợp Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc Tội khủng bố thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
– Điều 368. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự phụ nữ mà biết là có thai mà mình biết rõ là không có tội thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
– Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật đối với phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
– Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 373. Tội dùng nhục hình. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của phụ nữ mà biết là có thai dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 374. Tội bức cung. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung là phụ nữ mà biết là có thai phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
– Điều 377. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây: Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật; Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật; Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật; Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành; Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn; đối với phụ nữ mà biết là có thai thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.