6. Thay thế Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm
trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế
Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999. Qua thực tiễn thi hành, quy định này đã phát huy tính tích cực, hiệu quả trong đấu tranh, xử lý các tội phạm kinh tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, để tránh áp dụng tùy tiện, thì việc thay thế tội danh này bằng các tội danh cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết. Tiếp thu ý kiến Nhân dân và ĐBQH, trên cơ sở tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời rà soát các luật chuyên ngành về các biểu hiện cụ thể, các dạng của hành vi cố ý làm trái, để bảo đảm khi áp dụng, xử lý các hành vi phạm tội được đầy đủ, không làm bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, BLHS năm 2015 đã thay thế tội danh nêu trên trong Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự kinh tế theo hướng:
+ Bổ sung tình tiết “lợi dụng chức vụ quyền hạn” vào cấu thành các tội quy định tại 38 điều luật trong Chương;
+ Bổ sung quy định cụ thể 09 tội danh mới về vi phạm trong các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; đấu thầu; đấu giá tài sản; kế toán; quản lý thuế; xây dựng; và bồi thường thu hồi đất, tại các điều: từ Điều 217 đến Điều 224, và Điều 230;
+ Quy định mới Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã tại Điều 234 trên cơ sở tách từ Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Chương các tội phạm về môi trường trong BLHS năm 1999.
7. Bổ sung mới và loại bỏ một số tội danh
7.1. Bổ sung mới một số tội danh
Ngoài việc bổ sung những tội danh thay thế Điều 165 về Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, BLHS năm 2015 đã bổ sung 34 tội danh mới để quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xảy ra phổ biến, nhằm tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý tội phạm trong tình hình mới. Việc bổ sung là tương đối bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền về an sinh xã hội, quyền sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng, dự thảo Bộ luật đã đưa ra yêu cầu tội phạm hóa nhiều loại hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khác nhau, qua thảo luận, tiếp thu ý kiến Nhân dân và đại biểu Quốc hội, BLHS năm 2015 đã quy định các tội danh mới, bổ sung các hành vi phạm tội tại nhiều điều luật để xử lý hình sự đối với người phạm tội .
7.2. Loại bỏ một số tội danh
Qua tổng kết thực tiễn thi hành và rà soát các quy định của BLHS, để phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội, thực hiện tốt chính sách hình sự, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, BLHS năm 2015 đã loại bỏ 08 tội danh mà BLHS năm 1999 quy định, đó là: Tội hoạt động phỉ; Tội tảo hôn; Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật; Tội kinh doanh trái phép; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; và Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Trong quá trình xây dựng Bộ luật, cũng có ý kiến đề nghị không bỏ Tội hoạt động phỉ; tuy nhiên, qua kết quả lấy ý kiến nhân dân và thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành phương án bỏ các tội nêu trên và cho rằng việc bỏ những tội này được cân nhắc trên cơ sở rà soát quy định giữa các điều trong BLHS, rà soát các luật chuyên ngành nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn; cụ thể: đối với Tội hoạt động phỉ, các hành vi về mặt khách quan như: giết người, cướp phá… nếu nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì đã được xử lý trong các tội danh thuộc chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nếu không thì xử lý về các tội danh tương ứng ở các chương khác, nên không cần thiết phải duy trì tội danh này. Tội tảo hôn, thực tiễn hiện nay cho thấy, người phạm tội chủ yếu do nhận thức lạc hậu, nên chỉ cần xử lý về hành chính, việc xử lý hình sự chỉ nên áp dụng đối với người tổ chức tảo hôn, do vậy cần loại bỏ tội danh này, chỉ quy định Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183 BLHS năm 2015). Hành vi phạm tội đăng ký kết hôn trái pháp luật đã được thu hút, xử lý trong Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật mới được bổ sung (Điều 336 BLHS năm 2015), không cần thiết quy định riêng tội danh về đăng ký kết hôn trái pháp luật. Về các tội: kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trên thực tế không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như quy định của các luật chuyên ngành như: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật sở hữu trí tuệ; Luật các tổ chức tín dụng,… Đối với Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thì việc bỏ tội này nhằm bảo đảm thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, 08 tội danh nêu trên đã được loại bỏ, không còn quy định trong BLHS năm 2015.
8. Cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng trong điều luật và thu hẹp hợp lý các khung hình phạt
Thực tiễn thi hành BLHS 1999 cho thấy nhiều quy định có nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là dấu hiệu cấu thành một số tội phạm chưa rõ ràng, thiếu tính minh bạch; số lượng các khung khoản có quy định các tình tiết mang tính chất định tính cũng như quy định khoảng cách khung hình phạt quá lớn vẫn còn nhiều, chưa được khắc phục một cách cơ bản là vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hiện nay.
– Cụ thể, BLHS năm 1999 có 282 điều luật quy định các tình tiết định tính, định lượng như: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn”… là các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt. Thực tiễn áp dụng các tình tiết này đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, các cơ quan tố tụng và cơ quan hữu quan đã phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết, trong đó nhiều trường hợp phải tiến hành giám định, định giá và chờ kết quả mới có cơ sở định tội, định khung hình phạt, gây ảnh hưởng và làm hạn chế không nhỏ đến hiệu quả của công tác đấu tranh, xử lý tội phạm. Để giải quyết những bất cập này, đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 (Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Thông tư liên tịch chỉ hướng dẫn quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục), bảo đảm minh bạch và áp dụng thống nhất, việc luật hóa các quy định hướng dẫn hiện hành nhằm cụ thể các tình tiết định tính, định lượng trong BLHS là hết sức cần thiết. BLHS năm 2015 đã có bước đổi mới về kỹ thuật lập pháp khi cụ thể hóa hầu hết các tình tiết định tính, định lượng theo hướng: lượng hóa số hàng hóa, vật hoặc chất phạm pháp; quy định rõ số lượng, giá trị vật chất (tiền, tài sản) bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại; xác định cụ thể những thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của con người (tỷ lệ tổn thương cơ thể, tổn thương về tâm thần); đồng thời, thể hiện rõ hơn những ảnh hưởng xấu, tổn hại về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, … trong khung, khoản của các điều luật. Hiện trong BLHS năm 2015 chỉ còn giữ lại một số các tính tiết định tính, định lượng cần thiết phải quy định ở Chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và Chương các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân… để xử lý các trường hợp phạm tội mang tính đặc thù của các nhóm tội phạm này.
– Để giải quyết, khắc phục nhược điểm về sự chênh lệch lớn giữa mức hình phạt tối thiểu và mức hình phạt tối đa trong cùng một khung tồn tại ở nhiều điều luật, nhất là có tới 42 tội danh mà mức phạt tù trong cùng một khung hình phạt có mức chênh lệch 8 đến 10 năm, BLHS năm 2015 đã thu hẹp tối thiểu sự chênh lệch giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của các khung hình phạt tù trong các điều luật, giữ khoảng cách tương đối hợp lý, bảo đảm tránh việc tùy tiện và thiếu thống nhất trong áp dụng.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm góp phần bảo đảm BLHS trở thành công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, áp dụng xử lý chính xác tội phạm; bảo vệ tốt an ninh, trật tự an toàn công cộng, các quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.