6. Quy định chặt chẽ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân
Bộ luật quy định: (1) Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án phải được quy định trong BLTTHS, trên cơ sở đó, bổ sung một số biện pháp như: tạm hoãn xuất cảnh (Điều 124), phong tỏa tài khoản (Điều 129); (2) Quy định chặt chẽ căn cứ tạm giam, theo đó, cụ thể hóa các căn cứ được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử nhằm tránh lạm dụng (Điều 119); (3) Thẩm quyền quyết định tạm giam chỉ thuộc Thủ trưởng các cơ quan tố tụng và Hội đồng xét xử (Điều 113); (4) Rút ngắn thời hạn tạm giam (đối với tội nghiêm trọng, rút ngắn 01 tháng; đối với tội rất nghiêm trọng, rút ngắn 02 tháng; đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, rút ngắn 04 tháng), bổ sung thời hạn đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền (không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử); (5) Thu hút toàn bộ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế để điều chỉnh chung trong một chương nhằm bảo đảm tính hệ thống, chặt chẽ và nhất quán trong việc quy định các biện pháp này.
– Về thời hạn tạm giam để điều tra (Điều 173): Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định nh¬ư sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; (Bộ luật năm 2003 quy định được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 02 tháng và lần thứ hai không quá 01 tháng).
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; (Bộ luật năm 2003 quy định được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng, lần thứ hai không quá 02 tháng).
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng (Bộ luật năm 2003 quy định được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng).
7. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo điều kiện để người bị buộc tội thực hiện tốt quyền bào chữa, gỡ tội, Bộ luật đã: (1) Bổ sung người bị bắt được bảo đảm quyền bào chữa; (2) Thay quy định “cấp Giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “đăng ký bào chữa”; (3) Mở rộng diện người bào chữa gồm cả Trợ giúp viên pháp lý; (4) Mở rộng các trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải chỉ định người bào chữa; (5) Quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng sớm hơn, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; (6) Quy định bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra; (7) Bổ sung một chương mới (Chương V) quy định các nội dung liên quan đến bào chữa nhằm bảo đảm cho người bào chữa nhanh chóng tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án.
8. Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật đã: (1) Bổ sung người bị buộc tội và người bào chữa có quyền thu thập, cung cấp chứng cứ; (2) Quy định người bào chữa có quyền đánh giá chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập; (3) Bổ sung trách nhiệm và thủ tục Tòa án phải giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên toà; (4) Đổi mới trình tự xét hỏi theo hướng sau phần xét hỏi của Chủ tọa phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định ai hỏi trước, ai hỏi sau, bị cáo có quyền trực tiếp đặt câu hỏi với bị cáo khác, bị hại, người làm chứng nếu được Chủ tọa phiên tòa đồng ý; (5) Khẳng định rõ nguyên tắc bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
9. Thời hạn tố tụng
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định”, tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án hình sự, chống sự tùy nghi, lạm dụng, Bộ luật quy định chặt chẽ về thời hạn tố tụng, theo đó: (1) Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm mọi hoạt động tố tụng đều bị ràng buộc bởi thời hạn; (2) Cụ thể hóa một số thời hạn đang được quy định có tính định tính trong Bộ luật năm 2003 bằng các thời hạn cụ thể; (3) Tăng hợp lý một số thời hạn nhằm bảo đảm tính khả thi và tránh gây áp lực với cơ quan tố tụng như: thời hạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Bộ luật năm 2003 tối đa là 02 tháng, Bộ luật năm 2015 tối đa là 04 tháng), thời hạn giao các quyết định tố tụng trong những vụ án có đông bị can tham gia (Bộ luật năm 2003 quy định tối đa là 03 ngày, Bộ luật năm 2015 quy định tối đa là 10 ngày).
10. Các biện pháp chống bức cung, nhục hình; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt
động tố tụng hình sự
Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng tư pháp, Bộ luật quy định: (1) Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 6, Điều 183); (2) Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng phải thông báo trước cho người bào chữa thời gian và địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng để họ tham dự (Điều 79); (3) Bổ sung các quy định để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; bắt buộc Kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng (Khoản 4, Điều 183); (4) Quy định trách nhiệm của cơ quan tố tụng cấp trên phải kiểm tra hoạt động tố tụng của cơ quan cấp dưới; (5) Bổ sung cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng.
11. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, đáp ứng yêu cầu thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ luật bổ sung một chương mới quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, theo đó: (1) Quy định chặt chẽ những trường hợp được phép áp dụng, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt; (2) Quy định việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt phải do Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên quyết định và phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; (3) Khẳng định những thông tin, tài liệu thu thập từ việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án nhưng không được sử dụng vào mục đích khác.
– Về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 223): Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: (1) Ghi âm, ghi hình bí mật; (2) Nghe điện thoại bí mật; (3) Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
– Các trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 224): Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp: (1) Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; (2) Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Về thời hạn áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt (Điều 226): Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định.
12. Thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Nhằm bảo đảm sự phù hợp và thống nhất với Bộ luật hình sự năm 2015, BLTTHS đã bổ sung chương mới quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Theo đó: (1) Quy định cụ thể về người đại diện của pháp nhân tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người đại diện; (2) Quy định các biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân bao gồm kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân, buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án; (3) Quy định rõ các thủ tục tố tụng áp dụng đối với pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Về người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng (Điều 434): Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình.
– Về những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân bị buộc tội (Điều 441): (1) Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự; (2) Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá nhân là thành viên của pháp nhân; (3) Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra; (4) Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt; (5) Nguyên nhân và điều kiện phạm tội.
– Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân (Điều 444): Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.