Ngày 27 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, (sau đây gọi là Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Văn phòng luật sư Ánh Sáng Luật xin giới thiệu cơ cấu và những điểm mới của BLTTHS 2015.
I. Cơ cấu: BLTTHS năm 2015 có kết cấu gồm 09 phần, 36 chương, 510 điều (BLTTHS năm 2003 có kết cấu gồm 08 phần, 37 chương, 346 điều), cụ thể là:
Phần thứ nhất: Phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ, hiệu lực của BLTTHS (từ Điều 1 đến Điều 142).
Phần thứ hai: Khởi tố, điều tra vụ án hình sự (từ Điều 143 đến Điều 235).
Phần thứ ba: Truy tố (từ Điều 236 đến Điều 249).
Phần thứ tư: Xét xử vụ án hình sự (từ Điều 250 đến Điều 362).
Phần thứ năm: Một số quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án (từ Điều 363 đến Điều 369).
Phần thứ sáu: Thủ tục xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật (từ Điều 370 đến Điều 412).
Phần thứ bảy: Thủ tục đặc biệt (từ Điều 413 đến Điều 490).
Phần thứ tám: Hợp tác quốc tế (từ Điều 491 đến Điều 508).
Phần thứ chín: Điều khoản thi hành (Điều 509 và Điều 510).
II. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015
1. Hoàn thiện các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự
Nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, gồm: công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (Điều 11); suy đoán vô tội (Điều 13); không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm (Điều 14); tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26); bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 33).
– Về suy đoán vô tội (Điều 13): Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
– Về tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26): Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
2. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định
Nhằm đề cao trách nhiệm và bảo đảm các điều kiện để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm luật định, Bộ luật quy định:
– Đối với Cơ quan điều tra: (1) Quy định cụ thể những vụ án thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của Bộ Công an và Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng; (2) Bổ sung một số biện pháp điều tra như: nhận biết giọng nói, định giá tài sản; (3) Quy định cụ thể trình tự, thủ tục khi tiến hành từng biện pháp điều tra; (4) Quy định đầy đủ các trường hợp tạm đình chỉ điều tra nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn.
+ Về thẩm quyền điều tra (Điều 163): Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra cấp huyện điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện. Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
+ Về tạm đình chỉ điều tra (Điều 229): Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: (1) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra; (2) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra; (3) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả (Khoản 1, Điều 229).
– Đối với Viện kiểm sát: bổ sung, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát phải: (1) Thực hành quyền công tố sớm hơn, kể từ khi Cơ quan điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm; (2) Quy định cụ thể trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra và trách nhiệm chuyển vụ án khi phát hiện việc điều tra không đúng thẩm quyền; (3) Quy định bắt buộc kiểm sát viên phải có mặt trong các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét.
– Đối với Tòa án: quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án trong việc: (1) Xem xét, kết luận tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do các chủ thể tố tụng thu thập, cung cấp; (2) Quy định các trường hợp Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ; (3) Quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm tranh tụng; (4) Quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
3. Phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp; tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán Bộ luật quy định rõ: (1) Trong lĩnh vực được phân công phụ trách, cấp phó không chỉ được giao thẩm quyền tiến hành tố tụng như hiện hành, mà còn được giao thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp; (2) Phân định thẩm quyền giữa Thủ trưởng cơ quan tiến hành tố tụng với người trực tiếp tiến hành tố tụng theo hướng những thẩm quyền có tính chất quyết định việc “đóng, mở” một giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân giao cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định; hầu hết những thẩm quyền có tính chất phát hiện hoặc làm sáng tỏ sự thật vụ án giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp quyết định, tăng cơ bản thẩm quyền cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
4. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập của thực tiễn
Nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật quy định: (1) Cụ thể hóa các trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn nhằm khắc phục tình trạng chờ văn bản hướng dẫn; (2) Điều chỉnh hợp lý thẩm quyền giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài; (3) Quy định cụ thể căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục nhập, tách, chuyển vụ án; (4) Giải quyết căn bản những vướng mắc liên quan đến giám định, theo đó: phân nhóm các vấn đề cần trưng cầu giám định; quy định thời hạn giám định cho từng nhóm; xác định giá trị của kết luận giám định; giải quyết khi có xung đột giữa các kết quả giám định.
5. Đổi mới chế định chứng minh và chứng cứ
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử và để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ luật đã: (1) Đổi mới khái niệm chứng cứ; (2) Quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc tiếp nhận và đánh giá chứng cứ do người tham gia tố tụng cung cấp; (3) Bổ sung vào hệ thống nguồn chứng cứ, gồm: dữ liệu điện tử, kết luận định giá tài sản, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp; (4) Quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu thập dữ liệu điện tử.
– Về khái niệm chứng cứ (Điều 86): Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
– Về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107): Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.