Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã mở rộng quyền sở hữu bất động sản (nhà ở, đất) tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như người Việt Nam ở trong nước, tức là là được nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho các loại quyền sử dụng đất; mua, bán, sở hữu các loại nhà ở tại Việt Nam như cá nhân ở trong nước.
1. Hiện nay, Việt Nam có 03 luật mới quy định những vấn đề liên quan trực tiếp đến bất động sản tại Việt Nam là Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Cả 03 luật này đều có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2024. So với các quy định trước đây thì các quy định tại 03 luật này đã mở rộng đáng kể quyền sở hữu bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2. Từ trước đến nay, pháp luật về sở hữu bất động sản có những hạn chế nhất định đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật; không có quyền sử dụng đối với các loại đất khác… dẫn đến nhiều trường hợp Việt Kiều phải nhờ người trong nước đứng tên giùm tài sản. Từ đó làm phát sinh những chi phí, thủ tục pháp lý phức tạp, thậm chí có những tranh chấp liên quan đến việc xác định quyền sở hữu.
3. Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 được thông qua vào tháng 11 năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 được thông qua vào tháng 01 năm 2024 đã quy định theo hướng người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có quốc tịch Việt nam, tức là công dân Việt Nam thì có những quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất như cá nhân trong nước, không còn phân biệt công dân Việt Nam định cư ở trong nước hay nước ngoài nữa. Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không có quốc tịch Việt Nam thì sẽ gọi là “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”.
4. Đối với người Việt Nam định cư, sinh sống lâu dài ở nước ngoài mà đang có quốc tịch Việt Nam (hộ chiếu Việt Nam, căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh thể hiện quốc tịch Việt Nam) được xem là công dân Việt Nam. Những người này có đầy đủ các quyền liên quan đến bất động sản như người Việt Nam trong nước./.